Trung tâm Y tế Krông Pa vì môi trường không khói thuốc lá

Ngày đăng: 13/05, 09:51

(GLO)- Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Krông Pa (Gia Lai) luôn chú trọng thực hiện phòng-chống tác hại của thuốc lá trong cán bộ, nhân viên, người lao động, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng như xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá.
Mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Krông Pa đón tiếp, khám-chữa bệnh cho hàng trăm lượt bệnh nhân. Do đó, việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã đưa nội dung phòng-chống tác hại của thuốc lá vào chỉ tiêu thi đua; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo phòng-chống tác hại của thuốc lá nhằm triển khai hiệu quả các quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc. Các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, tư vấn về tác hại của thuốc lá được thực hiện thường xuyên tại các buổi giao ban cấp khoa, cấp bệnh viện và bằng loa hàng ngày. Trung tâm cũng treo một pa nô lớn về tác hại của thuốc lá trước cổng ra vào, treo áp phích tuyên truyền và bảng cấm hút thuốc lá tại các phòng làm việc, buồng bệnh, phòng chờ, hành lang, căng tin… để mọi người dễ thấy, dễ thực hiện.
 
 
 Bảng cấm hút thuốc lá đặt tại khu khám bệnh của Trung tâm Y tế huyện Krông Pa.                                                                                                   Ảnh: P.N
Bảng cấm hút thuốc lá đặt tại khu khám bệnh của Trung tâm Y tế huyện Krông Pa. Ảnh: P.N
 
Bên cạnh đó, công tác triển khai, tuyên truyền cũng được thực hiện đồng loạt và đi vào chiều sâu từ Trung tâm đến các trạm y tế xã, thị trấn. Trung tâm cũng tổ chức các đợt cao điểm, đồng thời lồng ghép vào các hoạt động phong trào, tạo cao trào hành động phòng-chống tác hại của thuốc lá trong toàn đơn vị. Yêu cầu các tổ chức, đơn vị khoa, phòng, trạm y tế các xã, thị trấn và cá nhân không nhận tài trợ để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hội thảo khoa học và các hoạt động xã hội khác có gắn với việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm còn thực hiện các hoạt động tuyên truyền bằng các hình thức như: phát tờ rơi tuyên truyền và biển cấm hút thuốc lá cho các trạm y tế xã, thị trấn; nhiều đĩa CD được phân bổ về những đơn vị trực thuộc để thông qua các buổi phát thanh của xã tuyên truyền cho người dân về tác hại của thuốc lá.
 
 
Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa: “Thời gian tới, ngoài tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá, Trung tâm sẽ tiếp tục hướng tới xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá, phấn đấu thực hiện mỗi cán bộ, nhân viên y tế là một tấm gương trong công tác phòng-chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng”.
 

Xác định khu khám bệnh là nơi tập trung nhiều người dân đến khám, do đó cũng là nơi tập trung nhiều người hút thuốc lá nhất, Trung tâm đã treo biển cấm hút thuốc, cử cán bộ thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thực hiện môi trường không khói thuốc lá. Cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn chú trọng tuyên truyền, nhấn mạnh vào hậu quả của khói thuốc lá đến bản thân người hút và những người xung quanh, đặc biệt đối với bệnh nhân thì tác hại còn nặng nề hơn. Nhờ đó, nhận thức của bệnh nhân và người nhà được nâng lên đáng kể, mọi người đều có ý thức tuân thủ nội quy.
 
Không chỉ ở tuyến huyện, tại các trạm y tế xã, thị trấn đều phân công cán bộ phụ trách giám sát việc thực hiện Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá; xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động tuyên truyền thông qua hệ thống loa xã, thị trấn về tác hại của thuốc lá tới từng người dân. Qua các đợt kiểm tra, Trạm Y tế xã Krông Năng được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt nhất. Bác sĩ Ksor Lai-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Krông Năng-chia sẻ: Để xây dựng môi trường khám-chữa bệnh không khói thuốc lá là việc không hề đơn giản, song với nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ của Trạm, đến nay, công tác này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trước hết là ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, y-bác sĩ được nâng lên rõ rệt. Mọi người đều thực hiện nghiêm quy định đề ra, đồng thời thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhằm thực hiện hiệu quả chương trình phòng-chống tác hại của thuốc lá.
 
Phạm Ngọc