Giới thiệu - Trung Tâm Y Tế Krông Pa gia lai

Lịch sử hình thành và phát triển

GIỚI THIỆU VỀ LỊCH SỬ TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN KRÔNG PA

***

 

I.           Quá trình hình thành và phát triển:

Trước 30/4/1975 huyện Krông Pa là căn cứ H2 thuộc tỉnh Đăk Lăk với mô hình bệnh viện Dân – Quân y, vừa bảo đảm công tác điều trị bệnh cho nhân dân vùng căn cứ; vừa khám chữa bệnh cho thương, bệnh binh trong kháng chiến, vừa thực hiện nhiệm vụ vệ sinh phòng bệnh. Hệ thông y tế được tổ chức: Trạm xá là cơ sở điều trị, vừa hình thành lực lượng vệ sinh viên để đảm nhận công tác vệ sinh, phòng bệnh.

Đến 23/4/1979 Trung tâm Y tế huyện Krông Pa được hình thành từ việc chia tách huyện từ Ayun Pa theo Quyết định số 178-CP ngày 23/4/1979 của Hội đồng Chính phủ, trên cơ sở chia tách từ phần đất phía Đông của huyện Ayun Pa, với diện tích 1.628,14 Km2 Krông Pa là một huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Gia Lai. Huyện lỵ là thị trấn Phú Túc.

- Bắc giáp: Huyện Ia Pa; huyện Đồng Xuântỉnh Phú Yên.

- Nam giáp: Huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk.

- Đông giáp: Huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

- Tây giáp: Huyện Ea H’ LeoKrông Năng, tỉnh Đăk Lăk; thị xã Ayun Pa.

Sông Ba chảy giữa huyện theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Đến năm 1989 Hệ thống Y tế hoạt động theo mô hình trung tâm Y tế; đảm nhận hai nhiệm vụ: Khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, hệ thống y tế cơ sở cũng được hình thành từ cấp xã.

Trung tâm y tế hoạt động theo mô hình: Khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, do ngành dọc (Sở Y tế quản lý)

Đến năm 2005: Thực hiện Quyết định số: 110/2005/QĐ-UBND, ngày 05/09/2005 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai về việc thành lập Phòng Y tế thuộc UBND các huyện, thị, thành phố; Quyết định số: 111/2005/QĐ-UBND, ngày 05/09/2005 và Quyết định số: 113/2005/QĐ-UBND ngày 05/09/2005 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai về việc chuyển giao trạm Y tế xã, phường, thị trấn về thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, hệ thống y tế tuyến huyện được 02 cấp quản lý: Bệnh viện đa khoa huyện, các phòng khám Đa khoa khu vực và Trung tâm y tế dự phòng thuộc Sở Y tế quản lý; các trạm y tế xã do Ủy ban nhân dân huyện quản lý và Phòng Y tế được thành lập.

Đến năm 2008 thực hiện Quyết định 431/QĐ-UBND, ngày 31/7/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc “Thành lập Trung tâm y tế huyện trên cơ sở Bệnh viện đa khoa cấp huyện, Trung tâm y tế dự phòng cấp huyện và các trạm y tế cấp xã. Theo đó mô hình Trung tâm Y tế bao gồm Bệnh viện đa khoa, Ban Y tế dự phòng và các trạm y tế cấp xã, do sở Y tế quản lý; thực hiện hai nhiệm vụ: Khám, chữa bệnh, phòng bệnh và các chương trình y tế quốc gia; phòng Y tế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác y tế trên địa bàn.

Đến năm 2018, thực hiện Quyết định số 590/QĐ-UBND, ngày 18/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc “Thành lập các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện vào Trung tâm y tế cùng cấp, tổ chức lại Ban Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện, sáp nhập Bệnh viện đa khoa khu vực (thị xã An Khê Pa, thị xã Ayun Pa) vào Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; cùng với việc thực hiện Thông tư số 37/2016/TT-BYT, ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ưng. Với mô hình trên. Trung tâm y tế huyện thực hiện thêm nhiệm vụ Dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Theo đó cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế Krông Pa gồm: 05 phòng, và 08 khoa, cụ thể:

- Các phòng chức năng thuộc Trung tâm Y tế:

1. Phòng Tổ chức – Hành chính;

2. Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ;

3. Phòng Tài chính – Kế hoạch;

4. Phòng Điều dưỡng;

5. Phòng Dân số.

- Các khoa chuyên môn thuộc Trung tâm Y tế huyện:

1. Khoa Kiểm soát bệnh tật & HIV/AIDS;

2. Khoa Y tế công cộng – Dinh dưỡng – An toàn vệ sinh thực phẩm;

3. Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản;

4. Khoa Khám bệnh – Hồi sức cấp cứu;

5. Khoa Ngoại tổng hợp – Liên chuyên khoa;

6. Khoa Nội – Nhi – Nhiễm;

7. Khoa Dược – Trang thiết bị y tế;

8. Khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh.

Đến thời điểm năm 2020: Tổng nhân viên y tế của ngành là: 187 người; trong đó tại huyện: 95 người, tại các xã: 92 người. Trình độ chuyên môn: Bác sỹ: 37 người (trong đó có: BS CK cấp I: 14 người); Dược sỹ 16 người (trong đó dược sỹ đại học: 03 người); Điều dưỡng, nữ hộ sinh: 75 người (trong đó nữ hộ sinh: 28 người, điều dưỡng 47 người).

II.     Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn:

-  Công tác khám chữa bệnh:

Là huyện cách xa tỉnh (# 140 Km), Trung tâm y tế đã tổ chức khám và điều trị cho các bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế, với quy mô 95 giường bệnh, công tác khám, chữa bệnh cơ bản giải quyết các cấp cứu bụng, sản khoa, hằng năm đã khám và điều trị trên 7.000 lượt bệnh nhân nội trú, khám và điều trị ngoại trú cho trên 70.000 lượt người bệnh; công suất sử dụng giường bệnh trên 100%; thường xuyên quan tâm cải cách, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, triển khai có hiệu quả Quyết định 2151/QĐ-BYT, ngày 04 tháng 6 năm 2015 của Bộ Y tế về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh”; chất lượng bệnh viện hằng năm luôn có sự tiến bộ; đội ngũ y, bác sỹ luôn được đào tạo cập nhật kiến thức

-   Công tác y tế dự phòng:

Các chương trình Y tế Quốc gia luôn thực hiện đúng tiến độ, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng được cải thiện hằng năm, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được thực hiện đúng tiến độ, duy trì tỷ lệ sinh trong giới hạn cho phép, với vùng dịch tể lưu hành bệnh sốt rét, hằng năm bệnh nhân mắc sốt rét cao hơn các địa phương khác, Trung tâm Y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống nên đã khống chế, không để ác tính và tử vong do sốt rét, các dịch bệnh khác cũng được khống chế kịp thời.

-  Các công tác khác:

Tham gia tích cực các hoạt động khác của địa phương: Khám sức khỏe tuyển quân hằng năm, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng Ban thường vụ huyện ủy quản lý…

Phối hợp với các tổ chức, ban ngành trong truyên truyền các chủ tương chích sách an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe cộng đồng, bài trừ tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thực hiện các nghiên cứu về sốt rét do Viện Sốt rét – Côn trùng – Ký sinh trùng Quy Nhơn, Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh./.

---*---